Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Ý NIỆM PHỒN THỰC TRONG VĂN HÓA VIỆT TỪ MỘT CÂU HÒ ĐỐI ĐÁP Ở MIỀN TRUNG.

Ý NIỆM PHỒN THỰC TRONG VĂN HÓA VIỆT TỪ MỘT CÂU HÒ ĐỐI ĐÁP Ở MIỀN TRUNG.
Dec 17, 2010 4:59 AMPublicPageviews 25 14
  Ở Miền Trung Việt Nam có câu hò đối đáp dân gian rất phổ biến như sau:
               Nữ (đối):
                                 có đâu mà anh ngồi câu đó
                                Biết có không công khó anh ơi
                                Anh ra đây em vẻ(1)  cho một nơi cá nhiều
                 Nam (đáp):
                                 Anh ngồi đây ngày đôi ba lượt
                                 Biết mất công mong cất con cá diếc lên
                                Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng.
Đây là một cặp hò đối - đáp hay, thông minh, tuy nhiên Ruchung tôi từ nhiều năm nay vẫn hoài nghi phẩm chất dân gian của riêng câu kết của người nam: Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng.
Cơ sở để hoài nghi là:
- Thứ nhất, các khái niệm làm giống, nhân giống, ruộng đồng, gợi cho người đọc cảm giác câu này có niên đại muộn, gần gũi với phong trào làm ăn hợp tác xã, hợp tác hoá thời hiện đại.
- Thứ hai, trong câu hò, cô gái sau khi dùng các cặp nói lái theo kiểu miền trung một cách tài tình (có đâu – câu đó, có không - công khó) đã dẫn dắt chàng trai đến một nơi chốn khó khăn nhất ở câu cuối:  Anh ra đây em vẻ (chỉ) cho một nơi nhiều. Con cá trong văn cảnh, trong "khí hậu" cụ thể của vế đối này  là hình ảnh hai mặt vừa chỉ con cá cụ thể, đồng thời vừa là biểu tượng phái sinh mà cô gái dùng nó để ám chỉ sinh thực khí của giới mình, nhằm thử tài và lỡm chàng trai một cách tinh nghịch và táo bạo.
Ấy thế mà chàng trai chỉ đối đáp như đã ghi chép (Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng)  thì quả là vừa không thoả đáng vừa  cam chịu cả về niêm luật lẫn khẩu khí. Trí tuệ dân gian một khi đã vượt được rào cản thời gian hàng trăm năm để đến với chúng ta hôm nay, không phải chỉ để trình bày một sự đối đáp thật  thà chân chỉ như thế. Trong văn học dân gian có chấp nhận dị bản, nhưng trên thực tế đây chưa phải là một dị bản dân gian, lại càng không phải là một dị bản hay.
Tuy nhiên, mặc dù vậy, nhiều năm qua, Ruchung tôi vẫn chưa làm sáng tỏ được mối hoài nghi của mình, và do đó, câu hò vẫn đang được coi là một tồn nghi phonclo chờ xử lý.
Rốt cục, quả nhiên, linh cảm của Ruchung tôi đã đúng. Mới đây, trong một bài viết của mình, một nhà sưu tầm văn học dân gian tiền bối ở khu vực đã hồi nhớ lại: hàng chục năm trước, chính ông đã sưu tầm được câu hò này với câu kết nguyên gốc hoàn toàn khác:
                                Biết mất công mong cất con cá diếc lên
                               Để đem về anh đặt một bên con cá tràu(2).
Cá tràu, về mặt hình thức gần gũi với sinh thực khí của người nam, đặt bên cá diếc mà người nữ dân gian chủ động ỡm ờ về sinh thực khí của giới mình quả là đăng đố́i cả về niêm luật, âm vận, lẫn..."cấu tạo".Tuy nhiên, do cho rằng câu kết này thông tục, dung tục, ông bèn sửa lại như chúng ta đã biết ( Để anh đem về làm giống nhân trên ruộng đồng), cho gần gũi với đời sống mới .
Câu chuyện như thế là đã rõ.
Nêu ra câu chuyện này, Ruchung tôi hoàn toàn không có ý định phê phán ai cả , mà chỉ muốn coi đây như một duyên cớ để trình bày một luận điểm rằng, trong văn học dân gian Miền Trung, cũng như trong văn hoá truyền thống Việt đang có những dòng ý niệm phồn thực ngày đêm thao thiết chảy. Ý niệm phồn thực này có thể nhìn thấy được, thậm chí khá đậm đặc, từ rất nhiều thể loại văn học dân gian khác nhau. Chẳng hạn:
         - Ở hò đối đáp:
                    Đối:  Tiếng đồn anh làm thợ mộc khéo
                             Em cậy anh làm bức đối xéo
                             Mực mẹo khéo khôn dò
                             Anh không đưa lưỡi chàng mà kết khéo thò lò mộng ra
                  Đáp:   Em cậy anh làm bức đối xéo
                            Mực mẹo anh có dò, bởi vì dài mộng ra là tại o(3)
                            Muốn đóng thêm vào một chút nữa để thò lò mà treo khăn.
        - Ở ca dao:
                             Tạnh trời ra đứng phân miêng(4)
                             Hỏi thăm bên bạn đùi chiêng anh mô rồi
         - Ở tục ngữ:
                             Nếp lộn lòn con ăn mau nậy(5)
          - Ở câu đố (chỉ con mắt nhắm):
                            Trên lông dưới lông, tối nằm chồng lên nhau.
Và đặc biệt là ở truyện cười và giai thoại thì ý niệm phồn thực lại xuất hiện khá dày đặc (Ví dụ các truyện: Nàng dâu, mẹ chồng, Đi thú mới về, Chuyện một ông hai bà,  Tao đã tìm được huyệt rồi…)
Trong văn học dân gian Miền Trung, các biểu tượng  phồn thực xuất hiện nhiều dưới ba hình thức: Đó là sự miêu tả trực tiếp các hình ảnh cổ sơ của sinh thực khí nam, nữ; đó là sự miêu tả trực tiếp các hành vi tính giao và cuối cùng là hình ảnh, biểu tượng phái sinh như trường hợp câu hò đối đáp được dẫn chứng.
Có một cái nhìn toàn cảnh như vậy thì câu chuyện sẽ không còn dừng lại ở vấn đề thanh - tục  thuần tuý nữa, mà phải có cái gì đây sâu xa hơn, bản chất hơn từ vỏ bọc phồn thực hồn nhiên, dân dã trong vốn cổ quý giá mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta.
Cần thấy rằng, ý niệm phồn thục trong kho tàng văn học dân gian Miền Trung không phải là một biệt dị, mà nó có nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc nhân loại.
Các nhà khoa học từ lâu đã chứng minh rằng dân tộc Việt Nam có hẳn một dòng văn hoá phồn thực từ văn học, nghệ thuật, mỹ thuật, phong tục, lễ hội dân gian…, bằng các hình tượng những người có âm dương vật khổng lồ, bà Triệu Ẩu có vú dài vắt vai, các cặp nam nữ giao phối trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, đến tục rã la, tục cướp nõ nường v.v…
Xa hơn chút nữa, người ta tìm thấy phồn thực như một tín ngưỡng, như một tôn giáo xuất hiện từ thời cách mạng đá mới và phổ biến trong nhân loại. Không ít dân tộc bên cạnh các biểu hiện phồn thực thông thường còn có tục thờ cúng sinh thực khí (linga và yoni) như một năng lượng thiêng. Bởi vì, người xưa tin rằng: “ Mỗi cái thực cụ thể đều có nguyên nhân nằm khuất lấp trong cái huyền rộng lớn. Bởi vì họ thờ sinh thực khí và hành vi tính giao như những biểu tượng của thế giới huyền hùng mạnh, toàn năng có thể ban phát mọi sự phồn thịnh”(6)
Như vậy, toàn bộ ý niệm phồn thực trong văn học dân gian Miền Trung không thể là một sự tục tĩu giản đơn, mà đó là một ý thức hệ đứng đắn, nghiêm túc của cộng đồng người Miền Trung xưa hướng vào thế giới huyền hùng mạnh, nhằm cầu mong một cuộc sống đương thời tốt đẹp.
Thông qua dòng phồn thực trong văn học dân gian Miền Trung và đặc biệt thông qua các biểu hiện nghệ thuật tài tình của nó, chúng ta có quyền tự hào về các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo ra và để lại cho chúng ta một nét văn hoá độc đáo, tài hoa, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân Miền Trung.
Ngày nay, dấu vết của sự phồn thực vẫn đang còn trong cuộc sống đương đại. Nếu chúng ta để ý và chịu khó thống kê thì thấy không ít các tình huống giao tiếp đương đại, khi văn cảnh cho phép, đều ngả sang hướng phồn thực một cách tự nhiên, thích thú. Dĩ nhiên, sự phồn thực chân chính ngày nay  nhã hơn,  thanh hơn truớc, vì nó đang được một nền văn hoá bác học yểm trợ.
Phải chăng đó là sự bảo lưu một nét văn hoá truyền thống với mục đích làm vui cuộc sống, nâng cao chất lượng sống, mà chúng ta đang vô tình không để ý?
___________________
Chú thích:
   (1)Vẻ cho: Chỉ cho, bảo cho( Tiếng địa phương Miền Trung)
   (2) Cá tràu: Cá chuối
    (3) O: Cô
   (4) Phân miêng: Phân minh
    (5) Nậy: Lớn
    (6) Đỗ Lai Thuý - Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực-Tạp chí văn học 10-1994

  PHỤ LỤC
(Ảnh: Ruchung@ )

Phồn thực trong tín ngưỡng:

Linga - Gốm người Chăm Quảng Nam trưng bày tại festival làng nghề tổ chức tại Huế (6-12-2009)

Yoni được tôn thờ tại thánh địa Mỹ sơn (4-4-2008)

Linga và Yoni tại thánh địa Mỹ Sơn (4-4-2008)


Tượng mhà mồ Tây nguyên.
Phồn thực trong lễ hội:

Người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chuẩn bị trống cho lễ hội đập trống diễn ra hàng năm, nhằm ngày 16 tháng Giêng Âm lịch. Tang trống làm bằng thân cây gỗ chicup (một loại cây rỗng ruột), dùng lâu dài; mặt trống bằng da trâu, thay hàng năm.

Người Ma Coong chen nhau đánh trống trong lễ hội để cầu may mắn cho mình và cho cộng đồng, cho đến khi mặt trống thủng mới dừng lễ hội. Sau đó, nam thanh nữ tú từng đôi một tìm nơi tình tự. Cộng đồng mơ đến một vụ mùa no đủ. (Người Việt cổ ra bờ ruộng khi lúa đang làm đòng để thực hiện hành vi tính giao, với mong ước sóng tình sẽ truyền năng lượng cho thửa ruộng được mùa)
Phồn thực trong tự nhiên:


Núi Đôi - thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nằm bên quốc lộ 4c cách thị xã này chừng 40 km. Do núi trông tựa hai quả đào tiên nên người dân còn gọi núi bằng một tên khac: núi Cô tiên. Quả tình, Ruchung tôi đã đứng ngẩn ngơ khá lâu, tại đây, bởi sự hợp lý tuyệt đối của tự nhiên. (26-5-2008)


Bãi biển Đá Nhảy (Quảng Bình)



Ốc Mõ Chùa (Bãi biển Vũng Chùa-Quảng Bình)






  • TênTên
    • TênTên
    • Dec 20, 2010 10:50 AM
    Chúc bạn ngày mới sức khỏe, bình an và thuận lợi trong công việc
  • Rosary
  • Private comment
  • MAISONTU
    một entry rất tuyệt xin cám ơ RC nhé...
  • Cỏ may
    Thâm thúy và sâu sắc quá! văn hóa trong dân gian có rất nhiều điều để tìm hiểu và học hỏi.
    Ruchung hiểu biết và nghiên cứu nhiều lĩnh vực quá, rất ngưỡng mộ!
  • Xuan
    • Xuan
    • Dec 17, 2010 8:10 PM
    bởi sự hợp lý tuyệt đối của tự nhiên. (26-5-2008)
    canh dep lam ban oi,chuc ban buoi toi vui ve, moi ban cafe toi day
  • Private comment
  • Private comment
  • PHẠM BÁ CHIỂU
      Bài viết Ruchung thật xuất sắc với sự sưu tầm rất công phu cả hình ảnh lẫn ca dao, tục ngữ...
    Về núi con gái mình xin có đôi dòng góp vui nha
      VỊNH NÚI CON GÁI Phạm Bá Chiểu Kìa dáng tiên nằm bên khúc sông Khen ai khéo uốn những đường cong Xanh xanh, mướt mướt cùng trời biếc Trắng trắng, tơ tơ với nắng hồng Đôi núi thung thăng, mây đổ bóng Một khe róc rách, nước xuôi dòng  Ngắm nhìn cảnh đẹp xinh như mộng  Buông bút, thi nhân chạnh nỗi lòng 
  • TênTên
    • TênTên
    • Dec 17, 2010 4:15 PM
    bài hay đấy anh ah, chúc a Giáng sinh vui vẻ
  • Hoàng Yến
    Mạng dấm dớ quá nên HY Ứ mang ảnh vào được để bổ sung ( PHỒN THỰC TRONG CON NGƯỜI) Hay là Anh RU bổ sung nhá..
    • ruchung
      Thì bổ sung đây:
  • Vu Duc Thuan
    Thú vị quá! sẽ có ngày phải nhờ đến bác làm cố vấn!
  • Rosary
    Rất thú vị, Bạn phân tích hay lắm và tìm hiểu kỹ thế. Cám ơn giúp Ros hiểu hiểu thêm văn hóa ứng xử Việt trong dân ... gian.
     
  • no
    • no
    • Dec 17, 2010 12:00 PM
    Những bài viết của bạn rất thú vị và sống động. Cho phép Vera thỉnh thoảng ghé qua đọc  nhé! Chúc bạn vui nhiều!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]