Trang

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

NHỮNG VẤN ĐỀ SONG NGỮ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH QUẢNG BÌNH

Hiện nay,  khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và chất lượng giáo dục  ở vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Bình đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống phát triển. Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn, hiện tượng thoát mù chữ nhưng còn mù nghĩa, tái mù chữ... vẫn còn xảy ra trong một bộ phận đồng bào, cũng như học sinh phổ thông dân tộc thiểu số trong khu vực, gây khó khăn trong việc học tập, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển của cộng đồng. 

Ruchung tôi đã nhìn nhận các nội dung này bằng một chuyên luận dài hơi :" Những vấn đề song ngữ vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình" dưới góc độ xã hội học – ngôn ngữ.

Ruchung tôi lược trích và tổng thuật một phần chuyên luận này bằng 9 kỳ (9 entry) cho những ai quan tâm.

Kỳ 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG. 
Một góc Bản Lòm (Xã Trọng Hóa,huyện Minh Hóa)

 1. Sự cần thiết.

Tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số: Bru-Vân Kiều và Chứt, với tổng dân số do Cục Thống kê Quảng Bình công bố đến thời điểm năm 2009 là 19.726 người (chiếm hơn 2% dân số cả tỉnh), cộng cư lâu đời với người Việt trên vùng núi cao phía tây vừa hẹp, vừa hiểm trở. Cộng đồng người Quảng Bình, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số vốn có tinh thần đoàn kêt lâu đời và ngày nay truyền thống đó đang được phát triển mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở địa phương. Vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các phong trào cách mạng ở đây là đặc biệt to lớn.


Trong nhiều năm lại đây, nhờ các chính sách dân tộc ưu việt của Đảng và Chính phủ, trong đó có các chính sách về giáo dục và ngôn ngữ, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn trên bước đường phát triển: tỉ lệ hộ nghèo còn cao, kinh tế phát triển chưa bền vững, văn hóa xã hội và trình độ dân trí nhìn chung còn thấp. Chất lượng giáo dục và khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay còn chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống phát triển, mặc dù đã có nhiều sự quan tâm đầu tư. Tình trạng tiếp cận tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn, hiện tượng thoát mù chữ nhưng còn mù nghĩa, tái mù chữ... vẫn còn xảy ra trong  một bộ phận đồng bào, cũng như học sinh phổ thông dân tộc thiểu số trong khu vực, gây khó khăn trong việc học tập, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển của cộng đồng. 

Để góp phần thực hiện các chính sách giáo dục, ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước, việc xem xét và giải quyết những vấn đề cụ thể về một hiện tượng xã hội học – ngôn ngữ: trạng thái song ngữ dân tộc thiểu số/ Việt ở tỉnh Quảng Bình, một dạng đặc thù văn hóa - xã hội,  từ đó đề xuất một số nội dung về giáo dục song ngữ cho đồng bào dân tộc thiểu số dưới góc nhìn xã hội học - ngôn ngữ; nhằm góp phần nâng cao khả năng sử dụng tiếng phổ thông, một công cụ quan trọng cho sự phát triển trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết và cấp bách.

Chúng tôi xem xét vấn đề song ngữ dân tộc thiểu số tỉnh Quảng  Bình bằng một cuộc điều tra điền dã có trọng điểm. Dân tộc và địa bàn tổ chức điều tra điền dã là đồng bào dân tộc  Bru – Vân Kiều (700 người) ở các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và đồng bào dân tộc Chứt (400 người) ở các huyện Minh Hoá, Bố Trạch,  Tuyên Hoá, với đủ các lứa tuổi và yêu cầu họ trả lời các câu hỏi do chúng tôi đề ra và lập thành phiếu điều tra từ trước.

2. Khái niệm song ngữ.

1. Song ngữ thường được coi như những dạng nhất định của quá trình đồng hoá về ngôn ngữ. Có thể hiểu khái niệm song ngữ một cách cụ thể hơn: trong quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, một người hoặc một tộc người  biết hai ngôn ngữ, đó là những người song ngữ và sự giao tiếp của họ là sự giao tiếp song ngữ, các khu vực này trở thành vùng song ngữ. Có nhiều loại song ngữ, loạt bài viết này chỉ quan tâm đến trạng thái song ngữ: sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa ngôn ngữ giao tiếp chung (phổ thông) với các ngôn ngữ dân tộc anh em trong một quốc gia đa dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Trong trạng thái song ngữ này, có hai loại hình : song ngữ tự nhiên song ngữ tự giác.

- Song ngữ tự nhiên: hình thành do các dân tộc tồn tại gần nhau về địa lý,  khi có dân tộc chiếm đa số dân cư và ngôn ngữ có chức năng xã hội lớn hơn, uy tín hơn. Trong loại hình song ngữ này, những người song ngữ chủ yếu là thành viên của cộng đồng dân tộc ít người hơn, ngôn ngữ ít uy tín hơn và thường  chỉ biết hình thái ngôn ngữ ở vùng tiếp xúc, được dùng để giao tiếp hàng ngày. Công thức :

SONG NGỮ  TỰ NHIÊN = PHƯƠNG NGỮ ĐỊA LÝ CỦA MẸ ĐẺ + PHƯƠNG NGỮ  ĐỊA LÝ CỦA TIẾNG THỨ HAI (do cá nhân học được trong quá trình tiếp xúc với các dân tộc khác)

- Song ngữ tự giác: Là hiện tượng song ngữ của các dân tộc thiểu số trong một quốc gia đa dân tộc  mà người ta chọn ngôn ngữ của một dân tộc đa số làm công cụ giao tiếp chung giữa các dân tộc, thông qua các điều kiện xã hội (trường học, các hình thức thông tin đại chúng, quá trình hoạt động xã hội…). Loại song ngữ này mang tính xã hội sâu sắc. Công thức:    

SONG NGỮ TỰ GIÁC = NGÔN NGỮ DÂN TỘC (với tất cả các hình thức) + NGÔN NGỮ GIAO TIẾP CHUNG (chỉ với hình thức văn học viết)

Những lý thuyết chung về vấn đề song ngữ đã trình bày trên sẽ được  vận dụng để xem xét vấn đề song ngữ vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình với tính thực tiễn đầy sống động của nó.

3. Ở tỉnh Quảng Bình, trong trạng thái song ngữ: sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa ngôn ngữ giao tiếp chung (phổ thông) với các ngôn ngữ dân tộc anh em, đó là sự tiếp xúc cụ thể giữa tiếng Việt / ngôn ngữ của hai dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều và Chứt ngay tại địa bàn cư trú của họ.

Dân tộc Bru-vân Kiều và dân tộc Chứt ở Quảng Bình có số lượng rất ít (19.726 người), phân bố rải rác trên địa bàn sườn đông dãy Trường Sơn, thuộc phía tây Quảng Bình. Từ đầu thế kỷ XX trở về trước, các dân tộc thiểu số sinh sống độc lập theo cộng đồng tộc người, có trình độ sản xuất và vốn văn hoá, ngôn ngữ riêng biệt. Dưới tác động của cuộc sống, của  các cuộc chiến tranh và sự phát triển kinh tế - xã hội, có một số bộ phận xen cư lẫn nhau giữa các dân tộc thiểu số, một số ít xen cư với người Việt, theo đó đã hình thành nên tình hình song ngữ Việt / Bru-Vân Kiều, Việt / Chứt tự phát, sơ khai ở khu vực. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình từng bước được hưởng lợi các chính sách dân tộc ưu việt của Đảng và Nhà nước, nên đã có những bước phát triển kinh tế -xã hội và văn hoá. Do có quá trình tiếp cận tương đối gần gũi với người Việt sinh sống trên địa bàn, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển, và đặc biệt là các chương trình giáo dục phổ thông, truyền thông đại chúng..., do các ngôn ngữ Bru-Vân Kiều, ngôn ngữ Chứt cùng gốc ngôn ngữ Mon-Khơ me, thậm chí cùng nhánh Việt-Mường (ngôn ngữ Chứt) với tiếng Việt,  nên đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình đã từng bước thích ứng với những thay đổi về kinh tế - xã hội, một bộ phận cư dân sử dụng tương đối thông thạo tiếng Việt, tạo nên một bước phát triển về tình hình song ngữ Việt / ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở khu vực. Tuy nhiên, khu vực dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình là khu vực đặc thù, có điều kiện tự nhiên vô cùng khó khăn, có trình độ văn hóa tộc người phát triển chậm, sơ khai, có nền kinh tế - xã hội thấp kém đã tham gia kìm hãm sự phát triển ở khu vực, trong đó có văn hóa, ngôn ngữ và đặc biệt khả năng song ngữ, trình độ tiếng Việt,  vẫn còn xa mới đáp ứng được vai trò là công cụ cho sự phát triển của cộng đồng.



Trường THCS Hóa Tiến  (Huyện Minh Hoá)

4. Việc nghiên cứu các vấn đề về văn hoá, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được manh nha từ thời Trung đại. Một số nhà khoa bảng Quảng Bình và địa phương khác, trong một số tác phẩm của mình cũng có đề cập đến những nội dung này, nhưng rất mờ nhạt, trong đó đáng kể nhất là Dương Văn An. Sau năm 1945, bên cạnh một số tác giả trong nước, có một số học giả, nhà truyền giáo người Pháp đã nghiên cứu về văn hoá, ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình như: Colani, Cadiere L, Gaide L., Gvignard T…và sản phẩm của họ được đăng tải trong các tạp chí xuất bản đương thời: B.A.V.H., BEFEO. Sau năm 1975 đến nay, các vấn đề này được xúc tiến nghiên cứu mạnh mẽ hơn bởi các tác giả trong nước, trong tỉnh là chủ yếu: Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ, Hà Văn Thư, Nguyễn Đức Hợp, Phạm Đức Dương, Trần Trí Dõi, Nguyễn Văn Lợi, Vương Hữu Lễ Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Khắc Thái, Nguyễn Văn Mạnh, Võ Xuân Trang….và một số các tác giả nước ngoài khác: Sa. Arutunov, Ag Agaep, A.N. Barulin, I.V. Samarina...

Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình cho đến nay, hoặc được lồng ghép trong các công trình nghiên cứu văn hoá, hoặc nghiên cứu chuyên biệt, cũng đều tập trung chủ yếu nghiên cứu về những vấn đề ngôn ngữ học thuần tuý(1). Đối với tiếng Bru-Vân Kiều, không có chữ viết cổ. Trước đây, người Mỹ đã có một phương án đặt chữ cho tiếng Bru (nhóm Vân Kiều) theo tự dạng Latinh, và những năm sau đó cũng đã có một phương án đặt chữ Bru-Vân Kiều  khác do cán bộ mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam làm. Năm 1986, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã cho lưu hành bộ chữ Vân Kiều La tinh hoá do Viện ngôn ngữ học Việt Nam thực hiện và đã biên soạn sách “Sách học tiếng Bru -Vân Kiều”. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức biên soạn cuốn sách tiếng Bru-Vân Kiều theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 50 bài học, dung lượng kiến thức 300 tiết. Năm 2008, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình tổ chức biên soạn, phát hành tập Tài liệu tiếng Bru-Vân Kiều, nhưng cũng chỉ để các cán bộ người Việt sử dụng làm công cụ học giao tiếp bằng tiế.ng Bru-Vân Kiều, phục vụ công tác dân tộc, còn đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều Quảng Bình chưa được tiếp cận tài liệu này, thậm chí chưa biết tiếng nói dân tộc mình đã được đặt chữ.

Đối với tiếng Chứt, hiện nay chưa có chữ viết. Nhưng do vai trò quan trọng của các nhóm ngôn ngữ này trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt cũng như nhóm Việt - Mường nói riêng và những vấn đề lịch sử ngôn ngữ nói chung ở khu vực, trong khoảng 30 năm qua đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về chúng. Theo đó, ngôn ngữ này đã được một số tác giả đề nghị  nên xem là bao gồm ba ngôn ngữ riêng lẻ :

- Tiếng Chứt chỉ gồm các nhóm Sách, Mày và Rục.

- Tiếng Arem là nhóm Arem riêng ở Bố Trạch, Quảng Bình.

- Tiếng Mã Liềng bao gồm các nhóm Mã Liềng ở Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Những công trình nghiên cứu về vấn đề song ngữ hoặc liên quan đến song ngữ ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình như một đối tượng xã hội học-ngôn ngữ cho đến nay còn rất ít và thiếu hệ thống. (Còn nữa).
-----------------------------------
(1) Tiền âm tiết trong tiếng Bru-Vân Kiều- Vương Hữu Lễ; Vài vấn đề về ngữ âm tiếng Vân Kiều- A.N. Barulin; Thử bàn về tiếng Chứt, tiếng Cuối trong nhóm Việt- Mường- Nguyễn Văn Tài; Về sự phân loại nội bộ các ngôn ngữ của nhóm Việt- Mường- Sololopxkaia Về mối liên hệ cội nguồn các ngôn ngữ Rục, Arem, cái mới trong nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ khác ở Đông Nam Á - I.V. Samarina; Đôi nét về tính chất tên làng của người Chứt và người Bru-Vân Kiềuở tỉnh Quảng Bình - Tạ Long, Ngô Thị Chính; Tiếng Rục - Nguyễn Văn Lợi; Tiếng Bru-Vân Kiều – Hoàng Văn Ma và Tạ Văn Thông... 
 


  • Poll
    • Poll
    • Dec 3, 2012 8:08 PM
    Theo Poll thì song ngữ nhất là các ngôn ngữ của các dân tộc nước ta chỉ để các nhà Ngôn Ngữ nước ta và thế giới nghiên cứu. Bây giờ lại bắt trẻ học thêm "Nội ngữ" nữa thì có nên chăng!
    Mà Ruchung đi đâu mà biệt tăm vậy, lên viungf thượng chụp ảnh à?
    Bức ảnh này đẹp như tranh!
    Qúy mến và nhớ bạn hiền!
    • ruchung
      Cũng là quan điểm mở, TT ạ
  • Đoàn Binh
    Mong một ngày không xa, những người con dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình sẽ đọc thông, viết thạo song ngữ '' sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa ngôn ngữ giao tiếp chung (phổ thông) với các ngôn ngữ dân tộc anh em trong một quốc gia đa dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.''
    • ruchung
      Mong một ngày không xa đồng bào dân tộc thiểu số sẽ phát triển. Còn một ngày đã xa bên nhà ĐB thì cần phải ngưng đọng lại.
  • bulukhin
    Chín kỳ là một con voi
    Còn đây kỳ một cái vòi tiên phong
    Ai người chín nhớ mười mong
    Ráng chờ đến cuối năm rồng sang xem
    • ruchung
      Cuối năm rồng sẽ là kỳ 2, đúng thế Bác Bu! Hai chân trước, đi trước (kỳ 2,3), hai chân sau đi sau (kỳ 4,5), còn cái đuôi đi sau rốt (các kỳ còn lại)
  • Spam comment
  • Private comment
  • BOBI
    • BOBI
    • Nov 29, 2012 7:50 PM
    Xem một lần rồi.Sẽ có comment sau.
    • ruchung
      Chờ comment chí lý của BOBI
  • Private comment
  • .
    • .
    • Nov 27, 2012 8:33 PM
    Đây là một đề tài khoa học lớn và mới mẻ đối với tui, nó gần như là "ngoài vùng phủ sóng" vì chưa bao giờ đề cập đến nhưng qua bút pháp , lời văn và những gì nhà khoa học họ Trần chuyển tải cung cấp thì thấy khá thú vị, hấp dẫn bởi tuy Quê miềng còn nghèo nàn và lạc hậu nhưng ẩn chứa trong đó nhiều điều thú vị, nhiều ẩn số mà các giới chức khoa học cần phân tích mổ xẻ mới mong tìm cái hay cái đẹp trong ngôn ngữ của các tộc người này. Tui chờ các entry tiếp theo
    • ruchung
      Lời động viên của HN là động lực cho Ruchung tôi. Vấn đề này dù tóm tắt, tổng thuật dùng blog vẫn hơi "nặng", tuy nhiên cũng để lưu trữ luôn. Nhất cử lưỡng tiện mà.
  • Lê Nguyên
    Trường học vùng cao bây giờ khang trang quá, giá như người học mà siêng học thì hay biết mẩy
    • ruchung
      Trường học vùng cao QB hiện nay đã có nhiều cải thiện nhờ vào chính sách 135 và nhiều chính sách vô cùng nhân văn khác của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số. Ngoài sự siêng năng, học sinh dân tộc thiểu số cần phải coi Tiếng Việt / tiếng phổ thông như là ngôn ngữ thân thuộc thứ hai bên cạnh tiếng mẹ đẻ thì mới giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục ở đây được. Dù sao thì Ruchung tôi đoan chắc rằng, trường học nơi LN công tác thuận lợi hơn nhiều
  • Như Mai
    Chuyên đề này, hiện tại có lẽ anh là người thực hiện tốt nhất. NM cổ vũ tinh thần cho anh và những người có tâm huyết dành cho loạt bài viết của anh nhé!
    • ruchung
      Như Mai khá tự tin cho...người khác đấy. Nhưng sự tự tin này, tiếc thay, lại rất đúng, bởi cho đến thời điểm hiện nay, chuyên đề này, ở QB, Ruchung tôi là người đầu tiên và duy nhất thực hiện một cách dài hơi và có hệ thống. Cám ơn sự cổ vũ của NM.
  • .
    • .
    • Nov 27, 2012 1:53 PM
    RCtôi biết nhiều thật !
    Chúc 1 tuần mới an vui .
    • ruchung
      Quý hồ tinh, bất quý hồ đa, blue nhé!
    • .
      • .
      • Dec 5, 2012 1:07 AM
      Khong hoc nhieu hieu rong nhu RCtoi , nen khong hieu chi rao troi hix...hix .
      Nghia ra sao RCtoi ? Giai thich dum , cam on .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]