Entry dưới đây là LỜI BẠT Ruchung tôi viết cho cuốn KỶ YẾU HỘI THẢO,
tài liệu mà doanbinh có nhắc đến trong comment bài trước. Post entry này
là để các bạn tham khảo từ đó có cái nhìn rộng hơn về nội dung này.
Sống trên mảnh đất quê hương, kế thừa những thành quả của biết bao thế
hệ tiền nhân khai khẩn và xây đắp, mỗi người dân Quảng Bình với đạo lý uống nước
nhớ nguồn đã không ít lần băn khoăn tự hỏi: Quảng Bình – Anh là ai? Quảng Bình xuất hiện từ bao giờ?
Đó là những câu hỏi đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm, là một đòi hỏi khoa
học về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất quê hương không mấy dễ trả
lời. Để góp phần trả lời câu hỏi này, từ hơn 10 năm trước, ngày 13-12-2001, tại
tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học Xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình với sự tham gia của các đồng
chí lãnh đạo tỉnh, của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người
tâm huyết đến từ các cơ quan khoa học Trung ương, khu vực Miền Trung, các tỉnh
bạn và trong tỉnh.
Kết quả của cuộc hội thảo từ
10 năm trước, nhìn dưới góc độ thống kê, các tham luận đề xuất thời
điểm thành lập tỉnh Quảng Bình với các mốc thời gian kéo dài
từ thời điểm vùng đất Quảng Bình được nhập về Đại Việt (1069), đến
thời điểm vua Minh Mạng tiến hành cải cách, ổn định nền hành chính
trong phạm vi toàn quốc (1831), đó là các năm: 1069, 1075, 1397, 1604, 1631,
1831
Điều này có lý do của nó: cho đến
nay, chưa có một tiêu chí chung nào cho việc tìm kiếm và xác định
thời điểm ra đời của một địa phương, một đơn vị hành chính, nhất là
đối với những địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu
dài. Do vậy, trên thực tế, tại nhiều địa phương, để xác định một
ngày truyền thống thỏa mãn được các đòi hỏi của khoa học và cả
của tình cảm nhân dân, đã phải dựa vào hệ thống các tiêu chí thích
hợp, do chính mình xây dựng nên và được đông đảo cộng đồng thừa
nhận.
Tương tự như vậy, những người nghiên
cứu trước khi giải quyết vấn đề cũng đều đã có những thao tác
khoa học ban đầu giống nhau và rất cần thiết là đặt ra các tiêu chí
theo quan điểm tiếp cận của mình, để thông qua đó, xem xét và đề
xuất ngày thành lập tỉnh Quảng Bình. Hệ thống các tiêu chí do các
tác giả xây dựng nên trong quá trình giải quyết vấn đề tại hội
thảo là rất phong phú, song tựu trung lại gồm các nội dung
chính liên quan đến những vấn đề cơ bản sau đây:
- Về không gian lãnh thổ.
- Về hành chính.
- Về dân tộc, truyền
thống lịch sử-văn hóa.
- Về danh xưng.
Do hiện thực lịch sử hình thành và
phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Bình, với điều kiện tư liệu hiện
nay khó tìm thấy một thời điểm xác định nào thỏa mãn tuyệt đối
các tiêu chí nêu trên, nên các tác giả đã hướng sự lựa chọn vào các
tiêu chí ưu tiên theo quan điểm tiếp cận của mình. Chính vì vậy, mặc
dù có khá nhiều thời điểm được các tác giả đề xuất lựa chọn,
nhưng không thể tìm thấy một thời điểm nào trong số đó là bất hợp
lý, bởi tính khoa học nội tại của mỗi tham luận. Điều này cho thấy
vấn đề đang xem xét là rất khó khăn và mang tính tương đối, mặc dù
đó nhất thiết phải là sự tương đối được thừa nhận trên cơ sở các
tiêu chí cụ thể và khoa học.
Tuy nhiên, cũng trên cơ sở số liệu
thống kê, chúng ta lại thấy một sự thật khác là, trong tổng số 25
tham luận trình bày và 2 ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng có sự
phân nhóm rất khách quan khi đưa ra thời điểm đề xuất lựa chọn:
- Năm 1069 : 02 (tham luận)
- Năm 1075 : 02 (tham luận)
- Năm 1397 : 01 (tham luận)
- Năm 1604 : 13 ( 12 tham
luận và 01 ý kiến phát biểu)
- Năm 1631 : 01 (tham luận)
- Năm 1831 : 07 ( 06 tham
luận và 01 ý kiến phát biểu)
- Không xác định rõ năm:
01 (tham luận)
Các số liệu này là trên cơ sở thống
kê từ các tham luận và các ý kiến phát biểu được chuẩn bị
trước trình bày tại hội thảo. Song, có một sự biến động khá thú
vị khác cũng cần phải nêu ra để tham khảo là đến phần thảo luận
trực tiếp tại hội thảo, một số tác giả, có thể do được củng cố
thêm về tư liệu, hoặc có sự điều chỉnh quan niệm ưu tiên đối với các
hệ thống tiêu chí thông qua quá trình trao đổi, nên đã nới rộng, hoặc
điều chỉnh thời điểm đề xuất lựa chọn:
- Có 03 tác giả trong tham
luận lựa chọn thời điểm 1831, song khi thảo luận đã đề xuất thêm năm
1604 để xem xét.
- Có 01 tác giả trong tham
luận lựa chọn thời điểm 1831, song khi thảo luận đã đề xuất thêm năm
1069 để xem xét
- Có 01 tác giả không xác
định rõ năm, song khi thảo luận đã đề xuất năm 1361 để xem xét
Như vậy, có thể thấy rằng, tại hội
thảo xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình, năm 1604 là năm được
nhiều người quan tâm nhất (13/27 tham luận và ý kiến) trong quá trình
tìm kiếm khoa học khách quan, độc lập và đầy trách nhiệm. Mặc dù
vấn đề rất khó khăn, song với một phương pháp luận khoa học, trên cơ
sở sự hợp lý hợp tình, nhìn trên tổng quát, Hội thảo đã tìm kiếm
được sự đồng thuận ( chữ
dùng của nhà sử học Dương Trung Quốc) quý giá trong quá trình
giải quyết vấn đề. Có lẽ nhờ đó mà hội thảo được dư luận đồng
tình và đánh giá thỏa đáng.
Có một thực tế là trong khoa
học, không phải lúc nào số đông cũng đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp
cụ thể này, đây không phải là sự đồng thuận của một số đông bất
kỳ, mà là số đông của một tập hợp gần như thuần khiết, được lựa
chọn, có chuẩn bị, từ nhiều nguồn nghiên cứu, và do đó sự đồng
thuận của số đông này không thể không đem đến cho chúng ta một nhận
thức hữu ích nào đó.
Đánh giá kết quả của hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc-
Tổng thư ký
Hội khoa học lịch sử Việt Nam, một
trong những người chủ trì hội thảo, trong tham luận của mình đã phát biểu:
Hội
Khoa học Lịch sử Viêt Nam đánh giá cao cách đặt vấn đề, cách tổ
chức và những kết quả nghiên cứu được phản ánh trong cuộc Hội thảo
này nhằm giúp lãnh đạo tỉnh những ý kiến tư vấn về khoa học để có
thể quyết định sự chọn lựa hội điểm có những ý nghĩa như sự
hình thành truyền thống tỉnh Quảng Bình.
Chỉ
theo dõi những tham luận được trình bày tại cuộc hội thảo của chúng
ta cũng thấy phản ánh những quan điểm khác nhau xuất phát từ sự lựa
chọn những tiêu chí khác nhau. Phải nói rằng, mặc dầu khác nhau nhưng
mỗi luận chứng đều được phát biểu một cách có hệ thống với những
lập luận chặt chẽ.
Do
vậy, để có được một sự đồng thuận,(...) phải đặt sự tồn tại và
phát triển của Quảng Bình trong sự thống nhất và phát triển của dân
tộc, đồng thời nó lại ăn sâu vào tâm thức, tạo nên niềm tự hào của
địa phương.
Do
vậy, sau khi được nghe tất cả những nhóm ý kiến khác nhau, với
những lập luận khác nhau , theo ý kiến cá nhân tôi, tôi cho rằng sự
lựa chọn mốc năm 1604 là có nhiều điểm hợp lý, hợp tình hơn cả. Về
lý thì nó là cái mốc vừa đánh dấu một quá trình hình thành vừa
tạo ra một động lực cho sự phát triển và hoàn chỉnh tiếp theo.
Hơn thế, về tình nó lại gắn liền với tâm thức của nhân dân, những
người đang sống trên địa bàn của tỉnh cũng như những người con Quảng
Bình đang sống trên các vùng lãnh thổ khác, trong và ngoài nước cũng
như cũng như ngay cả những đồng bào ở các địa phương khác luôn khắc
sâu tên gọi Quảng Bình như một địa danh của một địa phương mang trong
lòng những truyền thống tốt đẹp đáng tự hào. Là người tham gia chủ
trì cuộc hội thảo này tôi mong mọi người có thể tìm đến sự
đồng thuận làm cơ sở cho lãnh đạo tỉnh vững tâm quyết định.
Chính vì vậy, đề xuất lựa chọn năm
1604 là thời điểm thành lập tỉnh Quảng Bình là thỏa đáng nhất, hàm
chứa được nhiều tiêu chí và được nhiều tác giả lựa chọn nhất trong
tất cả các thời điểm đã từng được đề xuất để bàn thảo.
PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC THAM LUẬN TRÌNH BÀY TẠI HỘI THẢO
1.TS NGUYỄN HỮU HOÀI: Xác định ngày thành lập
tỉnh Quảng Bình - việc làm thiết thực đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân
2. Ông ĐINH HỮU CƯỜNG: Xác định ngày thành lập
tỉnh Quảng Bình phù hợp với tiến trình lịch sử là việc làm có ý nghĩa khoa học
và thực tiễn
3. TS TRẦN HỮU ĐÍNH (Đã quá cố): Nên lấy mốc thời gian nào
để xác định thời điểm ra đời tỉnh Quảng Bình
4. Giảng viên TRẦN HOÀNG: Việc xác lập tỉnh Quảng Bình
nhìn từ góc độ lịch sử - văn hoá
5. Nhà nghiên cứu PHAN THUẬN AN: Thử xác minh thời điểm
thành lập tỉnh Quảng Bình
6. Ông QUÁCH VIỆT CƯỜNG (Đã quá cố): Bước đầu tìm hiểu sự
ra đời đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình
7. TS. TRẦN ĐẠI VINH: Nhận thức lịch sử để góp
phần xác định tỉnh Quảng Bình thực sự có vai trò như một tỉnh từ bao giờ
8. Ông NGUYỄN DUY TÂN: Bàn thêm về thời gian
xuất hiện tên tỉnh Quảng Bình
9. Ông TẠ ĐÌNH NAM (Đã quá cố): Xác định thời điểm thành lập tỉnh
Quảng Bình
10. Ths HOÀNG VĂN ĐẠI: Xác định ngày thành lập
tỉnh Quảng Bình dưới góc độ dân tộc học
11. TS. NGUYỄN KHẮC THÁI: Đôi điều kiến giải
về mốc lịch sử thành lập tỉnh Quảng Bình
12.TS NGUYỄN HỮU THÔNG VÀ Ths NGUYỄN PHƯỚC BẢO ĐÀN:
Dù sao cũng có một thời điểm khai sinh
13. Nhà nghiên cứu NGUYỄN TÚ (Đã quá cố): Về ngày thành lập tỉnh Quảng
Bình
14. RUCHUNG: Góp bàn xác định thời điểm
ra đời tỉnh Quảng Bình
15. TS. NGUYỄN KẾ THÂN (Đã quá cố)): Mấy ý kiến về cơ sơ
khoa học xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình
16. Ông TRẦN ANH TUẤN: Một vài suy nghĩ về việc
xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình
17. Ông PHAN XUÂN THUỶ: Một số suy nghĩ về việc
lựa chọn mốc lịch sử thành lập tỉnh Quảng Bình
18. Ths. TRẦN ĐÌNH HẰNG: Quảng Bình - địa giới
thiết chế hành chính và việc xác định thời điểm khai sinh
19. Ông NGUYỄN MẠNH HẬU: Quảng Bình - Lịch sử
và tên gọi
20. GS. NINH VIẾT GIAO: Về thời gian ra đời tỉnh
Quảng Bình
21. TS. ĐỖ BANG: Qúa trình thành lập tỉnh Quảng
Bình
22. Ông PHẠM NGỌC HIÊN: Quảng Bình - ngược dòng
lịc sử
23.Ths. NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN: Những cơ sở
lịch sử của việc xác định năm 1831 tỉnh Quảng Bình được thành lập
24. Ông LẠI VĂN LY: Địa danh tỉnh Quảng Bình
có từ năm nào?
25. Ông TRƯƠNG TẤN MINH: Góp bàn định mốc thời
gian thành lập tỉnh Quảng Bình
26. Ông LÊ TRỌNG ĐẠI: Một số cơ sở khoa học để
xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình
27. TS. NGUYỄN VĂN MẠNH: Lịch sử hình thành vùng
đất và những tiêu chí xác định thời gian thành lập tỉnh Quảng Bình
28. Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Cầu và tìm thấy sự đồng
thuận
29. PGS, TS. LƯƠNG NGỌC BÍNH: Ý kiến đề xuất của
quí vị đại biểu và các nhà khoa học là rất quan trọng
Ký ức chiến tranh
Khải hoàn đêm Đồng Hới
Dấu chân chiến tranh
Lũ lụt
Nụ cười thôn nữ
Tháp cổ karst ở Phong Nha-Kẻ Bàng
Đồng Hới
Di cảo nhà thơ Xuân Hoàng
Em đi phố nhỏ động cành dừa... (Xuân Hoàng)
Giữa đại ngàn
Nhìn từ Bảo Ninh
Tượng đài Mẹ Suốt
Bộ đội biên phòng
Tuổi hồng
Cửa biển Nhật Lệ
Thạch nhũ động Thiên Đường
Bãi ngang
Bơi trải Lệ Thuỷ
PS. Hình như chẳng có ai là nữ nghiên cứu về lịch sử QB Ruchung nhỉ?
CN thích bức ảnh "Không lời", là sự vượt thoát mọi ý niệm rất tự nhiên, như "cánh chim không mỏi" giữa bầu trời
NHỚ ĐẠI TƯỚNG VÕ NG GIÁP