Trang

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

TRỞ LẠI MACOONG...

12:50 13-08-2011
Ruchung cho biết văn hóa họ (tộc người MACOONG) ra sao. Thượng Trạch là xã của huyện nào? Có thể du lịch đến đó không? Họ tổ chức thôn bản ra sao? Mình tạm chia bình quân như Ruchung cho biết thì 2000/18 bản, mỗi bản chỉ 110 người. Sao ít thế, mới bằng sĩ số lớp mình hồi học đại học.
Trình độ học vấn của họ ra sao? Trường lớp đến đâu?
Hê hê, hỏi hơi nhiều...
Có tg thì trả lời, không thì cho link nào để xem nhé.


LỄ HỘI ĐÂP TRỐNG NGƯỜI
MA COONG.

Tộc người Ma coong ( thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) ở Quảng Bình có khoảng hơn 1800 người, cư trú theo cộng đồng sát biên giới Việt-Lào, tại 18 bản xã Thượng Trạch và khoảng hơn 60 người sống xen cư với người Arem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Đường lên xã Thượng Trạch

Người Ma coong sống chủ yếu nhờ làm nương rẫy và một ít ruộng nước, kỹ thuật canh tác chủ yếu là phát, đốt, cốt, trỉa với công cụ sản xuất thô sơ, nên năng suất thấp. Các hoạt động săn bắt, hái lượm các nguồn lợi từ rừng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu bữa ăn. Chăn nuôi, nghề thủ công và trao đổi chỉ là hoạt động kinh tế phụ.


Rừng khộp nguyên sinh ôm ấp lấy bản làng người Ma coong



Người Ma coong thường lựa chọn nơi cư trú dọc bờ suối, lưng chừng đồi, hoặc tập trung dưới thung lũng. Nhà  ở, thường là nhà sàn nhỏ.



Bản Cà Roòng, nơi tổ chức lễ hội đập trống
Trai, gái Ma coong  tự do yêu nhau, cha mẹ thường tôn trọng sự lựa chọn bạn đời của con cái. Hình thức hôn nhân là ngoại hôn, một vợ, một chồng và người vợ cư trú bên chồng, tuy nhiên vẫn còn mang tàn dư của thời mẫu hệ.

Trong nhà, người đàn ông nhiều tuổi nhất (cha hoặc chồng) quyết định mọi công việc, người mẹ (hoặc vợ) lo nội trợ và dạy dỗ con cái. Quy mô gia đình thường gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình riêng; Giữa các thành viên có mối quan hệ tôn trọng, thương yêu và đùm bọc nhau.

Trước đây, đàn ông Ma Coong búi tóc, ở trần, đóng khố làm từ vỏ cây si; phụ nữ ở trần, mặc váy. Ngày nay, y phục kiểu người Kinh đã trở nên phổ biến, nhưng tập quán mặc váy của người phụ nữ vẫn còn tồn tại.

     Người Ma coong hiện vẫn giữ được một số giá trị văn hoá truyền thống, trong đó có Lễ hội đập trống, lễ hội quan trọng nhất có mục đích cầu mùa, cầu an và mừng mùa trăng mới (mục đích giống như lễ hội Xuân thủ của người Đồng Hới, Quảng Bình). Lễ hội đập trống tổ chức hàng năm vào các ngày 16, 17 tháng Giêng Âm lịch, thật sự là ngày hội của các dân tộc người Ma Coong, Arem, Vân Kiều... ở miền Tây Quảng Bình . Người Ma Coong chia lễ hội đập trống thành hai phần chính: lễ tế Trời, tế Chúa Đất và hội đập trống của cộng đồng, trong đó phần hội luôn được cộng đồng mong chờ nhất. Để kịp về dự lễ hội, đồng bào ở những bản xa đã ra đi từ mấy ngày trước. Vào ngày này chỉ trừ những người ốm đau, già yếu không thể đi được, còn lại đều náo nức đi hội. Đặc biệt là lớp gái trai đến tuổi trưởng thành, đây là dịp làm quen, hò hẹn, tìm bạn tình, rồi sau đó kết duyên thành vợ, thành chồng. Không chỉ có người Ma Coong mà các tộc người lân cận như Trì, Ca Rai, A rem cũng náo nức đến chung vui. Suốt cả ngày 16 tháng Giêng, dân bản Cà Roòng  ai cũng bận rộn vì buổi tối, đây là nơi trung tâm của lễ hội đập trống. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội, còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.















Trống hội có tang trống được làm bằng thân cây chicup, dùng trong nhiều năm; mặt trống  bịt  da trâu, néo bằng những bằng sợi mây rừng và nêm căng bằng những thân tre già, trông xù xì, khác biệt.




Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. Vào khoảng tháng 5 dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra.





Mâm cỗ cúng Giàng gồm có Rượu hiêng của người Ma Coong (là thứ không thể thiếu trong các dịp cúng tế-được làm từ nếp nương, men lá, thơm nức, trắng và sánh như sữa, dùng cúng các vị thần hoặc tiếp khách quý), rượu cần,  thịt gà nấu với chồi mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.





Khi bà con 18 bản men theo những con đường mòn đã về  dâng đủ lễ, Mặt Trời khuất sau dãy núi,  già làng bắt đầu lễ tế cúng trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn mong sao năm nay mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, tất cả mọi người khoẻ mạnh, không đau ốm. Dưới ánh trăng rằm đầu năm, trong sự thiêng liêng và sâu thẳm của núi rừng, năm thành viên ban chủ lễ với tâm niệm thành kính, khẩn cầu thần linh phù hộ, che chở cho con cháu của tộc người Ma Coong. Mở đầu buổi lễ, già làng Đinh Keo thắp sáng những cây nến làm bằng sáp ong và lầm rầm khấn mời “Giang và con ma mót” về ăn xôi, uống rượu hiêng, chứng kiến lễ hội, phù hộ cho người Ma Coong có cuộc sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu. Các thành viên khác của ban chủ lễ lần lượt thay nhau vào cầu khấn. Lễ cúng kết thúc khi chủ lễ bốc từng nắm lúa gạo ném ra nhiều phía







Lễ cúng kết thúc cũng là lúc tiếng trống vang lên, từng nhịp trống dồn dập vang xa, vọng vào vách núi, phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng. Tiếng trống và chất men của rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia lễ hội. Dưới ánh trăng, từng tốp người cầm tay nhau nhảy múa, thay nhau trổ tài đánh trống, dùi trống được làm từ những đoạn mây rừng dài chừng 50-60cm, vừa đánh họ vừa hô to “roa lữ giàng ơi” (sướng quá trời ơi), mà phải cố đánh làm sao cho mặt trống  vỡ trước khi trời sáng. Người Ma Coong tin rằng, năm nào trống đánh kêu to và vang xa, mặt trống nào đánh đến sáng mà chưa nứt, vỡ thì năm đó dân bản sẽ gặp điềm gở, mùa màng thất bát. Ai cũng được tham gia đánh trống, nhưng hăng nhất là lớp thanh niên, họ muốn mặt trống sớm nứt vỡ, để dẫn bạn tình vào rừng và bên dòng suối Aky tình tự.



 







Không biết từ đời nào người Ma Coong đã có hội đập trống này, chỉ biết người già nói rằng, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác mầu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm. Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ ác này đi. Và một hôm khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi khỉ, tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng mà khỉ ác đã phải rời xa vùng đất này và từ đó người Ma Coong, người Arem anh em làm ăn được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa. Và thế là lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó. Ánh trăng núi rừng đã quá đỉnh đầu, âm thanh tiếng trống càng giục giã sôi động thì đúng lúc ấy các đôi bạn tình lại tìm đến nhau hò hẹn bên dòng suối Aky. Và sau mùa lễ hội không biết bao nhiêu đôi bạn tình lại nên vợ nên chồng để cho tộc người Ma Coong ngày càng phát triển. Có thể nói, lễ hội đập trống của người Ma Coong là lễ hội đậm chất dân tộc, còn nguyên sơ chưa bị pha tạp còn mang nhiều bản sắc của dân tộc miền Tây Quảng Bình và là vốn quý, phải giữ gìn để mùa lễ hội sau không mất đi. May thay, các nhà quản lý văn hoá địa phương đã vào cuộc nhằm lưu trũ, phổ biến lễ hội độc đáo này ra cộng đồng và có thể cả nhân loại.








THE END.



  • PHẠM BÁ CHIỂU
    Bài viết trên cả mức tuyệt vời “roa lữ giàng ơi” Cảm ơn Ruchung nhiều Có dịp lên du lịch vùng này thì hay quá Mà tại sao không nhỉ? Ruchung hãy viêt một dự án du lịch vùng này vì Bố Trạch nhỏ và gần Đồng Hới, trung tâm tỉnh và không quá khó đi lại. Phải chăng đây cũng là một hình thức du lịch hấp dẫn kết hợp với Phong Nha, động Thiên Đường, như một sản phẩm du lịch mới kết hợp thì hay quá. Mình thấy Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình những ngày đầu du lịch cũng chỉ là bản nhỏ xíu, nhưng nay thì hoành tráng lắm rồi. Sao đó để có những màn múa sạp, đập trống, dệt thổ cẩm...và những điều gì đó thật đặc sắc, rồi tắm suối... văn nghệ quần chúng đón tiếp du khách... Hê hê được thế thì “roa lữ giàng ơi”
    • ruchung
        “roa lữ giàng ơi”. Chậm còn hơn không! Hê hê!
  • Trần Hoàng
    Quí quá thay những phong tục và truyền thống miền cao. Còn miền xuôi thì hởi ơi!!! Mai một.
  • Thọ Lộc
    "ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch"
    Giờ tui mới biết là ở huyện Bố Trạch có 1 xã mang tên là Tân Trạch đấy. Cam rơn bài viết của chuyên gia về đồng bào thiểu số Ruchung
  • Sóc Tím
    Thật hồn nhiên, Sóc Tím thích hình này nhất!
  • Private comment
  • Minh
    • Minh
    • Aug 18, 2011 9:05 AM
    Với tinh thần hừng hực khí thế của bà con, nhất là của các bạn thanh niên Ma-coong thì chả mấy chốc mặt trống vỡ toác ra thôi. Chỉ khổ mấy bác phóng viên, nhiếp ảnh, trống thì không được đánh lại còn phải canh mấy cái gậy đánh trống đánh nhầm vào máy. Không biết trai Ma-coong thế nào chứ trai làng em mà nó phát hiện ra có ai leo lên núi zoom xuống suối chụp là thế nào cũng "người đi, máy... để lại". “roa lữ giàng ơi”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]