Trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

VỐN CỔ VÙNG CAO.

Con ngủ đi con / Cho mẹ đi tuốt lúa về làm ăn /Cho bố đi bắn con gấu về làm ăn
Tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số: dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt , với hơn 19.000 nhân khẩu, chiếm khoảng 2% dân số của tỉnh. Dân tộc Bru-Vân kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma coong, Trì . Dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A rem, Mã liềng . Các dân tộc thiểu số còn lại với số dân không nhiều như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa cô...

     Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình có dân số không nhiều,  lại phân thành nhiều tộc người, trong đó có những tộc người dân số chỉ vài trăm người như A rem, Rục.., sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội hết sức khó khăn. Tuy vậy, trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Bình đã cố gắng sáng tạo và gìn giữ cho riêng mình rất nhiều giá trị văn hoá vật chất, tinh thần độc đáo, trong đó có vốn văn học dân gian đặc sắc. Kho tàng văn học dân gian dân tộc thiểu số Quảng Bình mang đậm bản sắc riêng của tộc người.

      Ngoài ra, ở vùng miền núi tỉnh Quảng Bình còn có khoảng 35000 người Nguồn, một tộc người của người Việt, cận cư lâu đời với đồng bào Chứt, do kết quả của sự giao lưu văn hoá, nên xuất hiện một số yếu tố chung, gần gũi, đặc biệt trong văn hoc dân gian với dân tộc Chứt, nên cũng được chúng tôi xem xét chung ở đây.

    Trong kho tàng văn học dân gian dân tộc thiểu số Quảng Bình, nghệ thuật ngôn từ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, trong đó, ca dao, dân ca xuất hiện thường xuyên trong đời sống tinh thần của đồng bào; ngoài ra, còn có tục ngữ, câu đố và một số loại thể khác, nhưng số lượng không đáng kể.

Ca dao dân tộc thiểu số Quảng Bình (bao gồm cả phần lời trong các làn điệu dân ca) có nội dung và nghệ thuật khá độc đáo. Nhìn chung, ca dao các dân tộc thiểu số Quảng bình tập trung phản ánh các nội dung chính sau đây:

   -Tình yêu quê hương, làng bản, lòng tự hào với sự giàu có, trù phú của núi rừng, qua đó động viên nhau quyết giữ lấy “núi rừng quê ta”.

     -Tình yêu lao động, dẫu là một thứ lao động cổ truyền vất vả từ sáng đến chiều, nhưng là tự do, nên vẫn say sưa , vẫn thích thú, vì nó đem lại cuộc sống vui tươi.

    -Tình yêu nam nữ với tất cả các cung bậc tình cảm của nó.
Đi tìm con ká tơm, hỡi anh! / Bắt được bỏ vào ca dăng, hỡi anh!
    Với nội dung phong phú, đượm chất trữ tình, ca dao dân tộc thiểu số Quảng bình được sử dụng phổ biến trong nhiều bối cảnh: Đọc cho nhau nghe, dùng để hát đối đáp, làm lời cho các khúc dân ca; gắn bó một cách tự nhiên với sinh hoạt hàng ngày của đồng bào.

 Với đồng bào Nguồn, bên cạnh các bài ca dao ca ngợi quê hương làng bản ( Thứ nhất Thanh Lạng, Bàu La / Thứ hai Hung ải, Thứ ba Minh Cầm...), phản ánh tình yêu đôi lứa ( Em giàu rồi em lại khôn / Anh đang đói rách như chồn thóc mách tho me...), còn có rất nhiều các bài ca dao khác được sử dụng vào dân ca, mà ngay hệ thống tên gọi cũng đã cho thấy sự đa dạng, phong phú trong  đời sống vật chất, tình cảm của đồng bào: Đi săn, Vợ anh anh hỏi đã lâu, Hát năm ba chuyện giải khuây, Con cá chặt đầu chặt đuôi, Nỗi khổ lấy chồng chung, Trách tình nhân... Cần phải nói đến ở đây phần lời ca – thực chất là những khúc ca dao – trong điệu Hát sắc bùa, Hát chúc trò của đồng bào Nguồn. Đây là lối hát phổ biến của người Nguồn dùng để chúc phúc, chúc lộc lẫn nhau trong dịp tết âm lịch. Điệu hát này thể hiện khả năng ứng tác lời ca tuyệt vời của các nghệ nhân, vì tuỳ theo từng cuộc hát ở từng gia đình mà nội dung diễn xướng có thể thêm bớt, dài ngắn khác nhau, nhưng không thoát ra ngoài nội dung chúc tụng:        

                         Được mùa để ăn cho lời    

                         Để ăn cho lời mà để chơi lâu

                         Mừng ông với mụ sống lâu thọ trường

                         Lê lê là lê

                         Mừng ông với mụ sống lâu thọ trường

                         Lê lê là lê

       Với người Chứt và người Bru Vân Kiều, số lượng ca dao tồn tại độc lập như một đơn vị văn học dân gian chỉnh thể không nhiều. Đa số trong đó đã hoá thân vào dân ca và hát ru và muốn xem xét nó không thể không nhắc đến các làn điệu pa eo ,Tơm tá lêng (Dân tộc Chứt); Oát, Prơdoạc, Roai, Adâng con (Dân tộc Bru Vân Kiều), để giao lưu trong lao động, trong những lúc đi sim tỏ tình, trong các đám hội hè, cưới xin, hoặc tế lễ ma chay, và cả trong những lúc ru con ngọt ngào êm ái...

    Dẫu làm ăn vất vả, một nắng hai sương, nhưng ít tìm thấy những lời kêu than buồn khổ trong các bài dân ca Chứt và Bru Vân Kiều. Ở đó người ta thường thấy những lời ca ví von ẩn dụ sâu sắc, đối đáp trữ tình giữa nam và nữ mà thôi:

    Nam:        Đi tìm con ká tơm, chị ơi!

                    Bắt được bỏ vào ca dăng, chị ơi!

                     Lấy trầu ăn trầu, chị ơi!

                    Như con chim rừng Lào

                    Như con chim phía Nam

                    Như con chim miền xuôi, chị ơi!

                    Nằm ở ngọn khe này.

                    Sang ở ngọn khe kia . . .

     Nữ:        Đi tìm con ká tơm, hỡi anh!

                   Bắt được bỏ vào ca dăng, hỡi anh!

                   Lấy trầu ăn trầu, hỡi anh!

                   Đã  chờ đợi nhau

                    Chờ đợi đến gặp nhau

                   Mang nặng, nắng nóng mấy cũng đi, hỡi anh!

                     ( Pa eo-Tơm tá lêng, Dân tộc Chứt)

     Hoặc:         

Nam : Thân thể em mịn màng như hạt gạo trắng đầu mùa, em ơi!

       Da dẻ em mát mẻ như nước trong đầu nguồn, em ơi



 Nữ :   Yêu anh lắm, anh ơi! Thân anh cân đối đẹp đẽ

      Yêu anh lắm anh ơi! Dáng bộ anh sao dễ thương quá chừng !

                                                                                      

      Thấy anh ơi! Muốn lấy cơm trong tip ra mời anh

      Em muốn cởi tấm áo đang mặc ra tặng anh!

                         (Oát, Dân ca Bru Vân Kiều)

       Tình cảm gia đình, tình yêu thương cha con, mẹ con cũng được biểu hiện sâu sắc trong lao động làm ăn hằng ngày bằng những lời ca mộc mạc, chan chứa tình người: ông bà dạy cháu, cha mẹ dạy con nên người:

     Siêng làm ăn, đừng nhác

      Muốn được vợ, được chồng

      Như thiên hạ,

     Như xóm làng

      Phải làm bằng xóm làng.

      Đừng nói huyên thuyên

       Chớ ghen tuông thàm thẹ

      Mà phải theo anh em

       Theo họ hàng làng xóm

                      (Bố dạy con - Hát ru Dân tộc Chứt)

    Hoặc:   

       Ơ ơi! Con cáo ngủ ngồi ơ ơi!

        Con tê giác ngủ gật

        Con voi rống tiếng

       Con nghé ọ ơ ơi!

                                    ...

         Cho con mang vòng bạc nặng cùi tay, con gái mẹ ơi

          Cho con mang vòng vàng nặng cổ tay, con gái mẹ ơi

                                     (Hát ru Dân tộc Bru Vân Kiều)

        Ca dao dân tộc thiểu số Quảng Bình với tư cách lời các bài dân ca cũng được sử dụng nhiều trong những lúc đi phát rừng làm rẫy, đi rừng tìm ong, làm vòng bẫy chim thú rừng, đi khe suối câu, chài cá, bắt cua đá, xúc tôm hoặc đi nằm chòi canh giữ nương rẫy:                          

          Con ngủ đi con

         Cho mẹ đi tuốt lúa về làm ăn

          Cho bố đi bắn con gấu về làm ăn...

          Ngủ đi con

           Để mẹ đi làm

          Lấy cây  mía, lấy quả chuối

           Để cho mình ăn . .

    Ca dao dân tộc thiểu số Quảng Bình  có nhiều nội dung phong phú như đã trình bày, và hơn thế, nó còn có một giá trị nghệ thuật đặc sắc với lời lẽ trau chuốt, giàu hình tượng, có âm hưởng sâu lắng đủ để thể hiện các cung bậc tình cảm giản dị nhưng rất độc đáo của dân tộc mình, và do vậy đã được chính đồng bào trân trọng và lưu truyền. 


      Cũng cần nói thêm rằng thể loại tục ngữ, một thể loại suy lý, mặc dù ít, nhưng cũng đã có mặt trong kho tàng văn học dân gian dân tộc ít người Quảng Bình. Đó là những quan sát trực giác để đúc rút nên các kinh nghiêm sống trước các hiện tượng tư nhiên, xã hội :          - Rạng sáng nấm bét bắt đầu nhú  
         Mặt trời đứng ngày (trưa) nấm đai xoè tán

         - Xách bầu phải xem quai

           Địu con phải xem vải buộc

            Làm cỏ phải xem cán nầm

        Trong đời sống thực tế, miếng ăn, nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình xưa phần nhiều còn dựa vào sản phẩm tự nhiên, tùy thuộc vào bối cảnh tự nhiên, trên cơ sở nền kinh tế chiếm đoạt là chủ yếu và  tổ chức xã hội của cộng đồng còn đơn giản, theo đó kinh nghiệm sản xuất và sinh hoạt xã hội còn ít. Và dây cũng là một thực tế làm hạn chế sự nẩy nở loại hình tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian ở đây.

Ca dao dân ca đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình là một sản phẩm tinh thần vô cùng quý  giá cần phải được tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu  và phát huy.








9 nhận xét:

  1. Ảnh chụp đẹp quá.
    hồi em còn nhỏ, bà nội em có quyển Dân Ca Việt Nam, trong đó có nhiều hình ảnh chụp trắng đen thui, rất đẹp anh ạ. vô số câu ca dao của các vùng miền. hồi đó, em hay lấy ra ...ầu ơi ví dầu cho vui. nhưng không thấy cái giá trị của nó. Giờ thì về hỏi , nội ...bỏ mất đâu rồi, không tìm ra nữa. Thật tiếc.
    Mỗi vùng có đặc trưng riêng, nhưng tựu trung, đều ca ngời tình cảm thủy chung son sắt, ca ngợi vẻ đẹp của đời sống lao động, của cảnh vật xung quanh mình... Đọc bài viết của anh , em được thêm một chút hiểu biết về vùng đất Quảng Bình - nơi em chỉ mới ghé thăm có một lần .
    Một mùa giáng sinh an lành, hạnh phúc cùng gia đình , anh nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi nhỏ đã hay ...ầu ơi ví dầu, vậy khi làm mẹ, có khi nào ĐT gặp khó khi ru quý tử ngủ không vậy?

      Xóa
  2. Đừng vắt tay lên trán,
    Ngủ thoải mái say sưa
    Hỡi em…
    Anh đang lội dưới suối,
    Mò con cá con cua
    Hỡi em…
    Hãy mang đăng đến nhanh
    Kẻo trời đã sang trưa,
    Hỡi em…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân ca dân tộc nào vậy bác Nano Bobi ơi

      Xóa
    2. Đấy là Dân ca của dân tộc NaBo, và còn hai đoạn kết nữa (định không đưa vào) đó là":

      Chiều về cùng nâng đũa,
      Xì xụp bát canh chua,
      Hỡi em.
      Tối có chiều chuyện lạ
      Như thần tiên như vua,
      Cùng em...

      Bài này bác Ru cần đưa vào đề tài cấp nhà nước cùng với GS Tô Ngọc Thanh để khảo cứu, hihi

      Xóa
    3. Dòng dân ca có các vần "UA, ƯA" xuất hiện như MƯA này Ruchung CHƯA "gặp dạng" bao giờ. Có lẽ nên ĐƯA sang bên các bác nhạc Việt làm ca từ có lẽ VỪA cỡ hơn bác NANO ạ.

      Xóa
  3. Người nguồn không phải Chứt không phải Bru vân kiều nhưng cũng không hẳn là kinh.
    Hay là một thứ kinh thời cổ xưa. Bu tui trong thời chiến tranh có ở với các đơn vị TNXP người nguồn, ban đầu để nghe và hiểu được phải có thông ngôn. Chiếc máy bay là óc máy pay, to to là sam sam, uống nước là oóng dác, đi đâu về là ti nô viên...Đã có một ông giáo làm dự án xin tách người Nguồn ra khỏi người kinh thành một dân tộc nguồn, không hiểu kết quả đến đâu rồi.
    Cũng nói thêm các em nguồn TNXP rất xinh, da trắng hồng châp hành mệnh lệnh thủ trưởng tuyệt đối. mơ mộng trử tình hơn cả người kinh hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Nguồn bây giờ vẫn là tộc người Nguồn của dân tộc Việt, bác Bu ạ.

      Xóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]